GDVN-Thay vì triệt tiêu hoàn toàn, tạo “bức tường lửa” ngăn chặn ChatGPT và AI, lãnh đạo các trường ĐH khuyên người học nên sử dụng công cụ này một cách hiệu quả.
Với điểm mạnh là có thể xử lý dữ liệu nhanh, khoa học, hệ thống, quy mô rộng hơn so với con người, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) được xem là một trong những yếu tố cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.
ChatGPT là một chatbot được phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo bởi OpenAI. Tuy mới xuất hiện vào cuối năm 2022, nhưng với khả năng tạo sinh văn bản dựa trên các tập dữ liệu huấn luyện khổng lồ, chatbot này nhanh chóng thịnh hành và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực.
Lợi ích của ChatGPT, AI là điều không ai có thể phủ nhận, nhưng cũng cần nhận thức được mặt trái của công cụ này, nhất là trong môi trường giáo dục, khi người học có thể vi phạm liêm chính học thuật vì lạm dụng ChatGPT và AI.
ChatGPT và AI tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là khi người xấu lợi dụng “mớm” cho AI nguồn sai
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “AI và ChatGPT được kỳ vọng thúc đẩy quá trình dạy học, mang lại những trải nghiệm mới trong học tập và nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở ra nhiều cơ hội mới cho giáo dục đại học.
Tuy nhiên, công nghệ nào cũng tiềm ẩn mặt trái. Ví như, người học có thể quá phụ thuộc vào công nghệ trong giải quyết vấn đề, không có tư duy sáng tạo.
Bên cạnh đó, sự tiện lợi của ChatGPT cũng có thể dẫn đến việc lạm dụng trong học tập, nghiên cứu, dẫn tới các hành vi vi phạm liêm chính học thuật.
Ngoài ra, còn có sự lo ngại trong tính chính xác của các câu trả lời từ ChatGPT. Do dữ liệu đầu vào chưa đảm bảo, chưa được kiểm chứng, nên kết quả đầu ra từ mô hình AI, ChatGPT sẽ có mức độ tin cậy không cao, dẫn tới hiểu lầm, nghiêm trọng hơn là sai lệch các vấn đề về lịch sử, văn hóa,…
Do đó, cần có định hướng và giải pháp để phát huy mặt tích cực của công nghệ này trong đào tạo, nghiên cứu”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu khẳng định, áp dụng công nghệ vì sự phát triển, hoàn thiện khả năng người học, tăng cường sự sáng tạo, tư duy phản biện luôn là mong muốn của nhà trường.
“Nhà trường luôn ủng hộ sinh viên sử dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong học tập và nghiên cứu.
Tuy nhiên, lạm dụng, phụ thuộc vào công nghệ trong học tập và nghiên cứu sẽ làm con người dần mất tính chủ động. Từ đó, tiêu hao năng lực phát triển của bản thân, tạo ra thói quen ỷ lại, lười phân tích.
Bên cạnh đó, nếu vi phạm liêm chính học thuật, thật sự rất nguy hiểm. Với khả năng tạo ra các câu trả lời, đoạn văn bản, bài tiểu luận liên quan tới chủ đề yêu cầu khá mạch lạc, trôi chảy trong thời gian ngắn, công nghệ này gây nên mối lo ngại trong việc kiểm tra đánh giá người học, đặc biệt là vấn nạn đạo văn”, thầy Hiếu Hiếu cho biết thêm.
Cùng quan điểm với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Thạc sĩ Ngô Minh Tín, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, ChatGPT và các công cụ AI khác cung cấp dữ liệu nhanh hơn giúp người dùng tiếp cận trong thời gian ngắn với nội dung đầy đủ.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Ngô Minh Tín không ủng hộ việc áp dụng những công cụ này trong nghiên cứu, chỉ khuyến khích sinh viên tìm đa dạng nguồn dữ liệu trong quá trình học tập.
Vì AI cần được “dạy”, được cung cấp nguồn, do đó nếu người xấu lợi dụng, “mớm” cho AI nguồn sai, sẽ kéo theo việc người dùng nghĩ rằng những gì họ tiếp cận là đúng và tiếp tục lan truyền điều đó.
Ngoài ra, những gì AI cung cấp cũng rất dễ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả gốc, khi AI không cho biết nguồn của thông tin. Do đó, người dùng không thể kiểm chứng mức độ tin cậy, từ đó tăng nguy cơ đạo văn, sao chép, vi phạm quyền tác giả.
Xây dựng quy định mới về liêm chính học thuật cho phù hợp với bối cảnh công nghệ
Có thể thấy, một trong số những mối lo ngại của các trường đại học trước việc người học sử dụng ChatGPT, AI là hành vi đạo văn, vi phạm liêm chính học thuật.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Đối với nhà trường, liêm chính học thuật là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, liêm chính học thuật không chỉ quyết định đến chất lượng đào tạo, mà còn quyết định tới nhân cách, đạo đức của sinh viên.
Do vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn cố gắng duy trì mức độ giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa, phòng chống gian lận trong học thuật ở mức cao nhất có thể.
Tất nhiên, với công nghệ đang ngày càng phát triển như hiện tại, việc đảm bảo liêm chính học thuật sẽ ngày càng khó khăn”.
Được biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ yếu sử dụng công cụ là phần mềm Turnitin. Tất cả luận văn, luận án, tiểu luận, công trình nghiên cứu của người học đều phải chạy qua phần mềm này để kiểm tra mức độ trùng lặp.
Ngoài ra, các giảng viên của nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra thêm nếu nghi ngờ sinh viên sử dụng những biện pháp kỹ thuật để “đánh lừa” phần mềm.
Với Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) việc sử dụng phần mềm Turnitin kết hợp với sự kiểm tra, hướng dẫn của giảng viên cũng được áp dụng.
Thạc sĩ Ngô Minh Tín nói: “Đầu tiên, nhà trường sẽ giao cho giảng viên hướng dẫn có trách nhiệm kiểm tra, kiểm chứng nguồn học liệu, tài liệu sinh viên sử dụng để kịp thời góp ý, sửa chữa trong khả năng. Thứ hai, sử dụng phần mềm Turnitin để kiểm tra đạo văn, trùng lặp.
Hiện tại, Turnitin đã có chức năng kiểm tra nội dung do AI viết. Tuy nhiên, tôi vẫn có những băn khoăn về chức năng này, khi chúng ta chưa có số liệu thống kê cụ thể về hiệu quả của phần mềm và hiểu rõ cơ chế phát hiện của Turnitin”.
Bên cạnh đó, cả Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đều đã ban hành Quy định về liêm chính học thuật, nêu rõ hình thức kỷ luật đối với các hành vi vi phạm.
Từ đó ngăn chặn việc người học gian lận. Đồng thời những quy định này cũng đang được bổ sung, cập nhật trước sự xuất hiện của AI và ChatGPT.
“Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đang tiến hành xây dựng quy định mới về liêm chính học thuật cho phù hợp với các tiêu chí, quy định hiện tại.
Ngoài ra, phía đơn vị cũng cập nhật phần công nghệ, bổ sung các giải pháp để giảm thiểu tối đa các hành vi vi phạm liêm chính học thuật của người học” – Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ.
Phải thay đổi suy nghĩ của người học thay vì tạo “bức tường lửa” ngăn chặn
Lãnh đạo, đại diện các nhà trường khẳng định, việc sử dụng công cụ chỉ là cách thức giải quyết vấn đề từ “ngọn”, muốn giải quyết tận “gốc”, phải thay đổi suy nghĩ của người học về việc sử dụng ChatGPT và AI. Khi đó, việc cấm sử dụng AI hay ChatGPT là không cần thiết.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương bày tỏ: “Về cơ bản ChatGPT, AI là công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả. Cá nhân tôi cho rằng, không nên cấm sử dụng công cụ này, thậm chí, nên khuyến khích sinh viên sử dụng, song, cần lưu ý sử dụng một cách tích cực.
Điều quan trọng là nhà trường phải giúp sinh viên suy nghĩ đúng khi sử dụng ChatGPT đồng thời dạy sinh viên kiến thức nền tảng để họ hiểu và đánh giá được thông tin mà công cụ này cung cấp.
Nếu người học coi đây là công cụ để sáng tạo hơn sẽ nâng cấp được bản thân. Bởi những công cụ như trên đòi hỏi tốc độ lĩnh hội kiến thức, khả năng tư duy của người sử dụng ở trình độ vượt trội.
Nhưng nếu lười nhác, xem đây là công cụ thay thế, thì bản thân ngày càng trì trệ. Phải hình dung rằng với ChatGPT, chúng ta không phải người duy nhất biết mà 1 triệu, 1 tỷ người cũng tìm thấy những điều tương tự.
Chúng ta hướng đến việc sinh viên phải biết biến những kiến thức do công cụ đó mang lại thành kiến thức của mình, không đơn thuần chỉ là sao chép để đạt yêu cầu trả bài thi.
Khi kiến thức đó đã trở thành của người học, tất nhiên cách diễn đạt, truyền tải sẽ còn không còn giống với ChatGPT”.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cũng nói thêm: “Sinh viên cần hiểu để thành công, con đường duy nhất là bản thân phải có kiến thức, có kỹ năng, phải thể hiện được mình. Khi người học ý thức được điều đó, tôi nghĩ rằng, tất cả những công cụ chúng ta e ngại sẽ mang tính hỗ trợ chứ không phải để gian dối”.
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu khẳng định AI, ChatGPT là xu hướng công nghệ của hiện tại cũng như trong tương lai; công nghệ này có rất nhiều tính năng vượt trội, tích cực để xử lý các vấn đề của cuộc sống.
“Thay vì cấm triệt để, tạo “bức tường lửa” để ngăn chặn sinh viên, người học sử dụng, chúng ta nên có hướng dẫn cho người học sử dụng công nghệ này theo hướng hiệu quả, tích cực nhất.
Người dạy, người học cần được trang bị đầy đủ các kiến thức để thích ứng theo xu thế phát triển của công nghệ, nhằm vừa khai thác thế mạnh vừa làm chủ công nghệ.
Chúng ta sử dụng AI, ChatGPT như một công cụ hỗ trợ trong quá trình giải quyết vấn đề, nhưng vẫn giữ vai trò chủ động và sáng tạo để có thể tạo ra các kết quả vừa chính xác, vừa hợp lý nhưng cũng có tính đặc thù của riêng cá nhân” – thầy Hiếu nhấn mạnh.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá, trang bị phòng học thông minh
Trước sự xuất hiện của các công cụ như AI, ChatGPT, bên cạnh việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, các trường đại học cũng nỗ lực đổi mới cách dạy, học, đánh giá .
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương khẳng định, những công cụ trên có tác động to lớn làm thay đổi phương thức dạy, học, đánh giá đang thực hiện.
“Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang hướng đến việc thi trên máy tính, kể cả với thi tự luận nhờ hệ thống ngân hàng đề thi phong phú. Khi có những công cụ như AI, ChatGPT, bắt buộc chúng tôi phải cải tổ, nâng cấp hệ thống ngân hàng đề thi cũng như các hình thức đánh giá khác.
Nhà trường cố gắng vận dụng hình thức đào tạo Lecture/Seminar (tạm dịch: Diễn thuyết/Hội thảo – PV) hướng đến áp dụng cho 100% học phần.
Thời lượng mỗi lớp Lecture và lớp Seminar là 50 – 50. Đặc biệt, trong các buổi seminar, sinh viên được yêu cầu xử lý tình huống trực tiếp, tranh luận. Khi đó, chắc chắn người học không thể sử dụng thụ động ChatGPT.
Ngoài ra, dự kiến đến cuối năm 2025, nhà trường sẽ trang bị 100% phòng học thông minh với hệ thống camera 360 độ tương tác tốt, sinh viên vào học, vào thi không cần điểm danh” – thầy Chương chia sẻ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chưa phát hiện các hành vi sử dụng AI hay ChatGPT cho mục đích gian lận trong thi cử.
“Là một trường kỹ thuật, đội ngũ giảng viên nhà trường có kỹ năng khoa học công nghệ tốt, thường xuyên được cập nhật. Do đó, các thầy cô đã chủ động tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy, đánh giá trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay.
Điều này cũng góp phần hạn chế vấn nạn gian lận trong thi cử, nâng cao chất lượng giảng dạy và đánh giá người học.
Giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) luôn cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá để theo kịp sự phát triển khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng dạy và học, đảm bảo người học được phát triển toàn diện.
Để tránh tình trạng sinh viên dựa vào ChatGPT khi giải quyết vấn đề, giảng viên chủ động thay đổi cách kiểm tra đánh giá, đưa ra các bài toán ở dạng nâng cao hơn, đòi hỏi khả năng hiểu sâu, suy luận, phân tích, sáng tạo mới giải quyết được.
Nhất là các bài toán có tính thực tế, yêu cầu sinh viên phải lập luận logic vấn đề, để từ đó có thể đánh giá, phân loại người học.
Hình thức đánh giá thông qua các bài tập tình huống, các câu trả lời nhanh, vấn đáp, học theo dự án, đánh giá dựa trên các sản phẩm của người học… cũng là những cách tiếp cận có thể giảm thiểu khả năng sử dụng ChatGPT để làm bài” – thầy Hiếu nói.
Thông tin thêm về lộ trình thích ứng với sự phát triển của công nghệ AI và ChatGPT, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu khẳng định đây là xu hướng tất yếu.
Trong đó, việc cập nhật thông tin để người học, người dạy làm chủ công nghệ, nắm bắt các xu hướng là điều quan trọng nhất.
Tiếp đến, phải tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, diễn đàn nhằm có những định hướng cụ thể, hướng dẫn, giải thích mặt tích cực, phương pháp sử dụng công nghệ một cách hiệu quả trong hoạt động dạy và học.
Đồng thời, cần xét đến việc xây dựng các công cụ hỗ trợ cần thiết trong hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá.
“Áp dụng sự phát triển của khoa học công nghệ phục vụ nhu cầu cuộc sống luôn là mục tiêu hướng tới của xã hội.
Chính vì vậy, thay vì ngăn cấm, tạo rào cản cho người sử dụng, chúng ta nên hướng dẫn, định hướng cho họ đồng thời cùng nghiên cứu các giải pháp để dùng công nghệ vào mục đích đúng đắn và tốt đẹp” – thầy Hiếu nhấn mạnh.