Bàn về phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật Việt Mam – thực tiễn & kiến nghị

ThS. NCS. Ngô Minh Tín

Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM

Trần Thị Bích Ly

Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM

 

  1. Đặt vấn đề

Tội phạm là một trong những nội dung quan trọng của Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam, chúng xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và đương nhiên rằng, bất cứ ai vi phạm quy định của BLHS đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng, khi đi sâu vào phân tích một cách khái quát và cụ thể, không phải tội phạm nào cũng thực sự nguy hiểm, sẽ có những trường hợp mà người phạm tội do những tình huống bản thân rơi vào tình thế cấp thiết, bất khả kháng, buộc phải tự vệ mà dẫn đến những hành vi có thể vi phạm pháp luật hình sự. Pháp luật luôn coi trọng và bảo vệ các lợi ích của nhà nước, của xã hội, của cơ quan, tổ chức và của công dân, đặc biệt là coi trọng quyền con người, nhiệm vụ của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là không được bỏ lọt tội phạm đồng thời cũng không làm oan người vô tội, vì vậy, pháp luật hình sự các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đều quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự như tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, trình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ và phòng vệ chính đáng (PVCĐ). Theo quy định của pháp luật hình sự, phạm tội trong các trường hợp này không phải là tội phạm. Quy định này được xem là sự tiến bộ, mang tính nhân văn trong pháp luật hình sự và phù hợp với thông lệ quốc tế đối với các hành vi khách quan mặc dù nguy hiểm cho xã hội và có hậu quả nghiêm trọng tuy nhiên chủ thể thực hiện rơi vào những hoàn cảnh khách quan hoặc chủ quan làm bản thân người này không thể thấy hoặc không buộc phải thấy trước tính nguy hiểm của hành vi và hậu quả của hành vi do mình gây ra.

Việc quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự vừa là quyền pháp lý vừa là nghĩa vụ về đạo đức trong việc bảo vệ lợi ích chung của con người và của nhà nước, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm của nước ta hiện nay[1]. Mặc dù tầm quan trọng của các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là vậy, tuy nhiên, trong khi điều kiện để xác định những trường hợp nào là tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, trình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ được pháp luật quy định khá rõ ràng và thì việc xác định điều kiện của PVCĐ hiện tại được quy định rất mơ hồ gây khó khăn trong việc xác định ranh giới của PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ trong khi Nghị quyết 02/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao năm 1986 hướng dẫn xác định PVCĐ theo BLHS 1985 đã hết hiệu lực từ năm 2016. Việc này chẳng những gây khó khăn cho người sử dụng pháp luật, điều tra viên, kiểm sát viên, hội đồng xét xử mà qua đó chưa phát huy được tính hiệu quả bảo vệ của pháp luật đối với quyền và lợi ích của con người.

Từ những phân tích trên, cho thấy việc tìm hiểu và nghiên cứu làm sáng tỏ nội dung cơ bản của PVCĐ, ranh giới PVCĐ theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam cũng như đánh giá và xác thực tính đúng đắn thực tiễn áp dụng chế định PVCĐ và các tội phạm do vượt quá PVCĐ nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện chế định này trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết.

  1. 2. Phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật Việt Nam

Cơ sở xác định giới hạn PVCĐ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015), “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”[2] Theo đó, người bị xâm phạm đang trong tình thế bị xâm hại nghiêm trọng và để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì người xâm hại đã có những hành vi phòng vệ trực tiếp và cấp thiết. PVCĐ là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội, thông qua đó công dân có thể ngăn chặn được những hành vi chính đáng để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Vì vậy PVCĐ không được xem là tội phạm.

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 22 BLHS 2015 quy định “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.[3] Trong trường hợp này người phòng vệ đã có quyền phòng vệ, đã phòng vệ tuy nhiên đã phòng vệ quá mức cần thiết, tức hành vi PVCĐ đó so với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi bị xâm hại thì nó không xứng đáng.[4]

Tuy nhiên, BLHS 2015 lại không giải thích thế nào là “quá mức cần thiết” từ đó làm cơ sở để xác định rõ ràng ranh giới giữa hành vi PVCĐ không là tội phạm với hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ là tội phạm trong khi hiện tại vẫn chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào còn hiệu lực giải thích, hướng dẫn thuật ngữ này.

Thực trạng này đòi hỏi các bên có liên quan khi muốn tìm hiểu quy định, điều kiện về giới hạn PVCĐ buộc phải sử dụng Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985 (Nghị quyết 02) là nguồn tài liệu tham khảo cũng như người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét áp dụng tinh thần của quy định khi ra quyết định. Theo đó, mục II của Nghị quyết 02 quy định:

Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
  2. b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
  3. c) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
  4. d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.[5]

Ngoài ra, cũng theo Nghị quyết 02, “Tương xứng” không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ. Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.[6]

Mặc dù giải thích về thuật ngữ “tương xứng” vẫn còn mang tính định tính tuy nhiên qua các ví dụ cụ thể, cũng phần nào làm rõ được bản chất của hành vi PVCĐ qua đó giúp những người có liên quan có cái nhìn tổng quát hơn về ranh giới của PVCĐ trong thực tế.

Hậu quả pháp lý

Khoản 1 Điều 22 BLHS 2015 quy định “PVCĐ không phải là tội phạm”, vì hành động này phù hợp với lợi ích xã hội, hỗ trợ nhà nước việc duy trì trật tự xã hội, chống lại hành vi xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Nếu cá nhân khi có hành vi tự vệ với mục đích là bảo vệ quyền lợi của một hay một nhóm đối tượng xác định, tương xứng với mức độ nguy hiểm của người đang thực hiện hành vi xâm hại sẽ được xem là PVCĐ. Do vậy cá nhân thực hiện đúng chế định PVCĐ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tự vệ của mình.

Thật vậy, xét về góc độ pháp lý, PVCĐ là quyền chính đáng của mỗi cá nhân, trong khi về mặt đạo đức thì mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với lợi ích chung của cộng đồng, phải chống trả những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích đó vì vậy quy định loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp PVCĐ được xem là phù hợp với xã hội Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, hành vi tự vệ vượt quá giới hạn PVCĐ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Điều này cũng dễ hiểu khi xem xét bản chất của việc quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Xuất phát từ việc đánh giá khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của chủ thể thực hiện thông qua ý chí và lý trí, pháp luật hình sự các nước trong đó có Việt Nam nhận định rằng, trường hợp một người thực hiện hành vi khi không thấy hoặc buộc phải thấy trước tính nguy hiểm của hành vi cũng như hậu quả của nó (không có lý trí) thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. tuy nhiên, hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ được định nghĩa là hành vi “chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”[7] qua đó có thể thấy, đây là hành vi có chủ đích xâm hại đến khách thể BLHS đang bảo vệ được thực hiện khi chủ thể hoàn toàn thấy hoặc có thể thấy trước sự nguy hiểm của hành vi và hậu quả nhưng vẫn mong muốn thực hiện. Vì vậy, pháp luật các nước và Việt Nam đều thừa nhận, vượt quá PVCĐ phải chịu trách nhiệm hình sự.

  1. 3. Thực tiễn xác định phòng vệ chính đáng và một số kiến nghị

Thực tiễn xác định phòng vệ chính đáng tại Việt Nam

PVCĐ không phải là tội phạm, tuy nhiên nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn PVCĐ và người có hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ phải chịu trách nhiệm hình sự[8]. Có thể thấy ranh giới giữa PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ là vô cùng mong manh và trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Trên thực tế khi một người rơi vào tình huống nguy hiểm, bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản nghiêm trọng, đa số người bị xâm hại không thể kiểm soát được hành vi của bản thân, không đủ bình tĩnh để quyết định  chống trả lại hành vi xâm hại như thế nào để không vượt quá giới hạn PVCĐ.  Bên cạnh đó, để xác định hành vi chống trả có tương xứng với hành vi xâm hại hay không, có quá đáng hay không thì phải xét toàn diện những tình tiết liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như khách thể cần bảo vệ, mức độ thiệt hại, cường độ của sự tấn công… Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá giữa PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ.

– Thực tiễn từ vụ án “Người chồng gây án mạng khi cứu vợ khỏi nhóm bắt cóc”

Thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Long cho hay, trưa 15.11.2020, nhóm gồm 6 người (Nhựt, Thơ, Tâm, Minh, Ninh và Trương) đi ôtô 7 chỗ dừng trước quán cà phê Tâm Giao tại Vĩnh Long. Sau đó một số người vào bên trong dùng bình xịt hơi cay, thiết bị phóng điện và một số dụng cụ hỗ trợ khác khống chế, bắt giữ nữ chủ quán Võ Thị Thúy Hằng (29 tuổi) định đưa lên ôtô tẩu thoát. Do Hằng la hét cầu cứu nên từ trong quán có 1 người lao ra la lớn “cướp, cướp…”.

Theo cơ quan điều tra, Giao đang cầm gậy sắt có mũi nhọn để lột vỏ dừa nghe tiếng vợ la hét nên lao ra giải cứu. Bị nhóm người chống trả bằng cách xịt hơi cay vào mặt nên Giao sẵn cầm thanh sắt trên tay đâm vào bên trong ôtô trúng Tâm, Tâm cố mở cửa bước xuống xe tháo chạy ra ngoài mặt đường nhựa thì gục chết.

Ngay sau sự việc, Giao ra công an tự thú và trình báo sự việc.

Được biết, nhóm người Nhựt, Thơ, Tâm, Minh, Ninh và Trương được bà Chi (mẹ ruột của Nhựt và Hằng) thuê để bắt Hằng về Vũng Tàu, không cho tiếp tục sống cùng với Giao.

Ngày 20.11.2020, Cơ quan CSĐT Vĩnh Long khởi tố bị can đối với Giao về tội giết người.[9]

Từ thông tin trên, căn cứ quy định của BLHS 2015 và Nghị quyết 02 về giới hạn PVCĐ, chúng ta có thể nhận định như sau:

Thứ nhất, hành vi của nhóm 6 người xông vào nhà và dùng vũ lực bắt ép bà Hằng lên xe rõ ràng có dấu hiệu tính chất nguy hiểm cho xã hội đã được pháp luật hình sự bảo vệ cụ thể quy định tại Điều 157 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Điều này thỏa mãn điều kiện đầu tiên theo điểm a Mục II, Nghị quyết 02 về PVCĐ.

Thứ hai, hành vi của nhóm 6 người này là hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho tính mạng, sức khỏe và quyền tự do của Hằng, Giao. Yếu tố này thỏa mãn điều kiện thứ 2 theo điểm b Mục II, Nghị quyết 02 về PVCĐ.

Thứ ba, việc phòng vệ của Giao mục đích mong muốn gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công của nhóm 6 người nhằm giải cứu bà Hằng (vợ ông Giao) ngay tức khắc. Hành vi của ông Giao đã thỏa mãn điều kiện quy định tại điểm c Mục II, Nghị quyết 02 về PVCĐ

Thứ tư, hành vi phòng vệ của Giao có thể tương xứng hoặc không so với với hành vi xâm hại, tức là có hoặc không sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ của hành vi xâm hại. Đối với điều kiện này, thực tế thì có nhiều ý kiến khác nhau về việc hành vi của ông Giao có tương xứng hay không. Tuy nhiên, theo tác giả, cơ quan điều tra cần làm rõ khi thực hiện hành vi, ông Giao biết được trong số những người bắt vợ mình có em vợ mình hay không cũng như có biết được đây là nhóm người do mẹ vợ mình cử lên hay không từ đó cơ quan cảnh sát điều tra có đủ cơ sở để đánh giá về mặt ý chí và lý trí Giao có biết được mức độ nguy hiểm của vợ khi bị bắt (hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật của nhóm bắt người). Trường hợp, ông Giao biết nhận ra Nhựt (em vợ ông Giao) hoặc biết đây là nhóm người do mẹ vợ mình thuê thì hành vi của ông Giao được xem là không tương xứng, vượt quá mức cần thiết từ đó có thể kết luận hành vi chống trả này là vượt quá PVCĐ và phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, trường hợp ông Giao không biết thì sẽ thoả mãn được điều kiện này và được xem là PVCĐ, loại trừ trách nhiệm hình sự.

Thực tiễn từ vụ án:”Vợ chém chết trộm tại Long An”

Thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Long An cho biết, khoảng 0 giờ 30 ngày 11.3, anh Võ Tấn Hội (38 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thúy Hằng (38 tuổi, cùng ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, Huyện Cần Đước) đang nằm ngủ trong phòng thì bất ngờ nghe tiếng động lạ phát ra từ phía nhà sau. Lo lắng trộm đột nhập vào nhà, anh Hồi mở đèn bước ra ngoài xem thử.

Lúc này, Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ cùng ấp) đã đột nhập vào nhà, cầm hung khí núp sau cánh cửa. Khi anh Hội vừa đến gần, Trung cầm dao chém liên tục vào người khiến anh Hội bị thương nặng và gục chết dưới nền gạch.

Biết hành tung bị lộ, Trung liền chạy tới phòng ngủ cầm dao khống chế, buộc chị Hằng im lặng để Trung lấy tài sản. Chị Hằng cố giữ bình tĩnh rồi bất ngờ lao mạnh đầu vào người Trung và bỏ chạy ra ngoài. Trung lao theo vung dao chém trúng lưng và đầu nạn nhân.

Chưa kịp ra đến cửa, chị Hằng chụp được con dao trên bàn quay ngược lại chém trúng đầu khiến Trung ngã xuống đất bất tỉnh. Nghe tiếng tri hô, người dân xung quanh nhanh chóng đưa cả 3 đi cấp cứu, nhưng anh Hội và Trung đã chết[10]

Từ thông tin trên, căn cứ quy định của BLHS 2015 và Nghị quyết 02 về giới hạn PVCĐ, chúng ta có thể nhận định như sau:

Thứ nhất, hành vi của Trung có dấu hiệu cấu thành tội giết người, cướp tài sản theo Điều 123 về tội giết người và Điều 168 về tội cướp tài sản theo BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Điều này đáp ứng theo điểm a Mục II, Nghị quyết 02 về PVCĐ.

Thứ hai, hành vi của Trung là hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại, đe dọa gây thiệt hại ngay tức khắc cho anh Hội và chị Hằng. Điều này đáp ứng theo điểm b Mục II, Nghị quyết 02 về PVCĐ.

Thứ ba, việc phòng vệ của chị Hằng nhằm mục đích muốn gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công của Trung. Điều này đáp ứng theo điểm c Mục II, Nghị quyết 02 về PVCĐ.

Thứ tư, hành vi phòng vệ của chị Hằng được xem là tương xứng so với hành vi xâm hại thực tế của Trung, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ của hành vi xâm hại. Khác với vụ án đầu tiên, trong vụ án này hành vi của Trung thực tế rất nghiêm trọng, có sự chuẩn bị trước và có dấu hiệu thực hiện đến cùng nếu không được ngăn cản và thực tế là Trung đã giết chết ông Hội và tiếp tục thực hiện hành vi giết Chị Hằng đến cùng. Vì vậy hành vi chống trả của Chị Hằng được xem là tương xứng với hành vi xâm hại thực tế của Trung, đáp ứng quy định tại điểm d Mục II, Nghị quyết 02 về PVCĐ.

Một số kiến nghị

Từ những phân tích lý luận và thực tiễn, để công tác xác định giới hạn PVCĐ được chính xác và hiệu quả hơn tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật hình sự liên quan đến PVCĐ, cụ thể hóa từng trường hợp được quyền phòng vệ. Ban hành hướng dẫn cụ thể về PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ để tránh gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và các đối tượng tham gia trong công tác phòng chống tội phạm. Đặc biệt, trong văn bản ban hành cần phải giải quyết chi tiết, mang tính định lượng, dễ xác định các điều kiện của PVCĐ đặc biệt là điều kiện về xác định mức độ “tương xứng”. Thật vậy, trong khi các điều kiện khác trong việc xác định PVCĐ được quy định khá chi tiết và dễ xác định thì quy định về tính “tương xứng” lại mang tính định tính và rất khó xác định được ranh giới chính xác. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác thực tiễn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cán bộ, các cơ quan chức năng, thường xuyên tổng hợp các trường hợp PVCĐ để từ đó có thể nhìn nhận ra những ưu khuyết điểm của vấn đề này. Cũng như kịp thời đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Việc này giúp hệ thống hoá và thống nhất cách hiểu và vận dụng các quy định về điều kiện xác định PVCĐ trong phạm vi cả nước.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho công tác giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là vụ án điều tra như các công cụ dùng để xác minh tính chất, mức độ của các tình tiết hình sự.

  1. Kết luận

Qua các nội dung được đề cập, chúng ta có thể thấy thực tiễn xác định ranh giới giữa PVCĐ hay vượt quá giới hạn PVCĐ tại Việt Nam thời điểm này thật sự chưa được tường minh và thiếu cơ sở pháp định. Trong thực tế kể từ khi Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985 hết hiệu lực, pháp luật hình sự Việt Nam vẫn chưa có quy định chính thức hướng dẫn việc xác định này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ yếu dựa vào tinh thần của Nghị quyết này để đưa ra các quyết định cuối cùng dẫn đến chưa đủ tính thuyết phục. Đặc biệt, việc xác định hành vi chống trả, phòng vệ có tương xứng với hành vi xâm hại hay không còn nhiều khó khăn trong việc xác định mức độ tương xứng này. Trong khi đó, PVCĐ là một trong những vấn đề hết sức quan trọng trong pháp luật hình sự, là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự của chủ thể phổ biến trong thực thế. Vì vậy, để thực tiễn xác định giới hạn PVCĐ được tổ chức thống nhất, dễ tiếp cận và hiệu quả tác giả đã đề xuất 3 kiến nghị, một là, hoàn thiện pháp luật hình sự liên quan đến PVCĐ, cụ thể hóa từng trường hợp được quyền phòng vệ; hai là, đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cán bộ, các cơ quan chức năng, hệ thống hoá và phổ biến án PVCĐ; ba là, tăng cường cơ sở vật chất phụ vụ giải quyết vụ án hình sự.

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn bản pháp luật
  2. Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
  3. Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985

Tài liệu tham khảo khác

  1. 3. Như Anh, “Khởi tố người chồng gây án mạng khi cứu vợ khỏi nhóm bắt cóc”. Nguồn:

http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Khoi-to-nguoi-chong-gay-an-mang-khi-cuu-vo-khoi-nhom-bat-coc-620503/. Truy cập ngày 22/11/2021.

  1. 4. Nguyễn Sơn, Luận văn thạc sỹ Phòng vệ chính đáng và các tội phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo luật hình sự Việt Nam. Nguồn: https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/Phong-ve-chinh-dang-va-cac-toi-pham-do-vuot-qua-gioi-han-phong-ve-chinh-dang-theo-luat-hinh-su-Viet-Nam-1955/?fbclid=IwAR0ygGaZXuybtt3GpRO-SMJHYcqMNYSGVwAnFTde2mI-urzXfuit9q9ragg. Truy cập ngày 22/11/2021.
  2. 5. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, “Một số vấn đề PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ. Nguồn: https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/204. Truy cập ngày 22/11/2021.
  3. 6. Nguyễn Tuấn, “Người vợ chém chết trộm ở Long An, hành động PVCĐ”. Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/nguoi-vo-chem-chet-trom-o-long-an-hanh-dong-phong-ve-chinh-dang-549814.html. Truy cập ngày 22/11/2021.
  4. 7. TS. Trần Thị Quang Vinh & Cộng sự, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Nhà xuất bản Hồng Đức.

[1] Dương Phan Thùy Dung, Phòng vệ chính đáng theo pháp luật Hình sự Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Học viện Khoa học Xã hội, Hà  Nội, 2017, tr.1.

[2] Khoản 1, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

[3] Khoản 2, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

[4] TS. Trần Thị Quang Vinh & Cộng sự, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Nhà xuất bản Hồng Đức, (trang 242)

[5] Mục II, Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985

[6] Mục II, Nghị quyết 0202/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985

[7] Điều 22, BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

[8]Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, “Một số vấn đề phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/204, truy cập ngày 17/7/2021.

[9] Như Anh, “Khởi tố người chồng gây án mạng khi cứu vợ khỏi nhóm bắt cóc”

http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Khoi-to-nguoi-chong-gay-an-mang-khi-cuu-vo-khoi-nhom-bat-coc-620503/, truy cập ngày 5/7/2021.

[10] Nguyễn Tuấn, “Người vợ chém chết trộm ở Long An, hành động phòng vệ chính đáng”, https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/nguoi-vo-chem-chet-trom-o-long-an-hanh-dong-phong-ve-chinh-dang-549814.html, truy cập ngày 18/7/2021

To Top