Quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép theo PL của pháp & Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung

nhungnth@uel.edu.vn

ThS. Ngô Minh Tín

tinnm@uel.edu.vn

Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM

 

Tóm tắt: Quyền tác giả được xác lập trên cơ sở sự thừa nhận, trao quyền sở hữu và bảo hộ của Nhà nước đối với các chủ thể sáng tạo và đầu tư cho sự sáng tạo như là một phần bù đắp cho công sức sáng tạo tương xứng. Ở một khía cạnh khác, con người có quyền được tiếp cận những sáng tạo mới phục vụ cho sự phát triển không ngừng về khoa học công nghệ cũng như đời sống văn hoá, tinh thần. Nhằm giải quyết sự xung đột lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và quyền tự do sử dụng tác phẩm của xã hội, các nước trong đó có Việt Nam đã đặt ra chế định hạn chế quyền tác giả qua đó giúp cân bằng các lợi ích này. Trên cơ sở phân tích và bình luận quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép như là một ngoại lệ của quyền tác giả theo pháp luật của Cộng hoà Pháp, bài viết so sánh với pháp luật hiện hành của Việt Nam nhằm đưa ra những đề xuất gợi mở cho pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Trong phạm vi hạn hẹp, bài viết chỉ đề cập đến việc sao chép mang tính vật chất (bản sao được định hình vật chất), chứ không nhằm giải quyết hết các vấn đề về sao chép tác phẩm theo nghĩa rộng bao gồm trích dẫn, phóng tác, chuyển thể, biên dịch…, hay bản sao để lưu trữ của thư viện.

Từ khoá: Quyền tác giả, giới hạn (ngoại lệ) quyền tác giả, tự do sử dụng tác phẩm, quyền sao chép.

Abstract: Copyright is established on the basis of recognition and protection of the State to subjects and investment in creativity as a compensation for the corresponding creative effort. In another aspect, people have the right to access creations for the continuous development of science and technology as well as cultural and spiritual life. In order to resolve the conflict of interests between creative subjects and society, many countries including Vietnam have set up restrictions on copyright, thereby helping to balance the interests. On the basis of analyzing and commenting on the freedom to use a work through copying as an exception to copyright under the law of the French Republic, the article compares it with the Vietnamese current law in order to provide proposals for Vietnamese law on this issue. Within the limited scope, the article only deals with physical copying, not to solve all the problems of copying works in a broad sense such as citations, adaptation, adaptation, compilation, etc., or archival copy of the library.

Key words : copyright, copyright limitation (exception), freedom to use work, right to copy.

  1. Đặt vấn đề

Lịch sử chế định sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng đã bắt đầu được hình thành và phát triển ở Châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp vào đầu thế kỷ 18[1]. Khi các quốc gia đẩy mạnh lợi ích cốt lõi để phát triển kinh tế xã hội trong cuộc đua thay đổi thế giới, nhiều xung đột đã phát sinh, bao gồm xung đột lợi ích công cộng và lợi ích cá nhân, xung đột về pháp luật giữa các quốc gia khác nhau. Để giải quyết các xung đột và thống nhất cuộc chơi sáng tạo chung, nhiều hiệp ước quốc tế điều chỉnh lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được ban hành mà Việt Nam đều đã tham gia là thành viên, trong đó có Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả (Berne) và Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ 1994 (TRIPS)[2], và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[3]. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc mở rộng cam kết về sở hữu trí tuệ nhưng lại mang tính mở và trao quyền cho các quốc gia thành viên có thể điều chỉnh việc giới hạn quyền tác giả đối với hành vi sao chép để đảm bảo quyền tự do sử dụng tác phẩm.

Nhìn chung, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản[4]. Mặc dù quyền nhân thân chưa thật sự được công nhận thống nhất ở tất cả các quốc gia trên thế giới vì một số lý do nhất định[5], nhưng quyền tài sản trong đó có quyền sao chép của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra lại mang tính phổ quát, nghĩa là được thừa nhận và bảo vệ rộng rãi ở các nước. Việc sao chép tác phẩm có thể mang tính vật chất (tạo bản sao được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định) nhưng cũng có thể phi vật chất (trích dẫn, dịch thuật, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn…)[6]. Theo nguyên tắc của quyền sao chép, khi thực hiện hành vi sao chép tác phẩm, người sử dụng phải xin phép và trả thù lao cho tác giả.

Khi quyền tài sản của tác giả được bảo vệ, vấn đề ngoại lệ của quyền sao chép tác phẩm dưới góc độ quyền sử dụng tự do tác phẩm của cộng đồng lại được đặt ra để cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội. Ngoại lệ (hay giới hạn) quyền sao chép được hiểu là người thực hiện hành vi sao chép tác phẩm trong một số trường hợp được pháp luật quy định không phải xin phép hay trả thù lao cho tác giả. Nói cách khác, trong một chừng mực nhất định, đó chính là quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép. Lẽ dĩ nhiên, quyền này chỉ được thực hiện trong một số trường hợp hạn hữu theo quy định của từng quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng trọn vẹn lợi ích giữa một bên là tác giả với một bên là các chủ thể khác một cách hợp lý nhất có thể là vấn đề mà các nhà làm luật không những ở Việt Nam mà trên thế giới đều rất băn khoăn, cũng như được giới nghiên cứu không ngừng phân tích, mổ xẻ.

Thật vậy, hiện nay pháp luật các quốc gia khác nhau có những quy định khác nhau về việc giải quyết xung đột giữa quyền tác giả và giới hạn (ngoại lệ) quyền tác giả trong việc sao chép dưới góc độ quyền tự do sử dụng tác phẩm của cộng đồng, tuy nhiên nhìn chung, các tiêu chí như số lượng, mục đích của việc sao chép là tiêu chí quan trọng và đều được xem xét trong việc đánh giá và đưa ra quy định ở các nước, trong đó có Việt Nam. Khi quy định quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sau chép (một ngoại lệ của quyền tác giả), luật pháp các nước chủ yếu tập trung vào các hành vi phi lợi nhuận mang tính phục vụ cho lợi ích của nhiều người, cộng đồng, xã hội, nhà nước như nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều quốc gia mở rộng phạm vi quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép đối với cả trường hợp học tập.

Tại Việt Nam, quy định giới hạn quyền tác giả đối với hành vi sao chép chính thức được thừa nhận trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật SHTT). Qua hai lần sửa đổi luật vào năm 2009 và năm 2019, các quy định về giới hạn quyền tác giả, trong đó giới hạn về quyền sao chép vẫn không thay đổi, chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi nhanh chóng của kinh tế xã hội. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh cả thế giới bước vào cuộc cách mạng số với nền tảng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, việc tiếp cận và sao chép các tác phẩm ngày cảng trở nên dễ dàng và tinh vi hơn, nhưng cũng từ đó cho thấy các quy định về tự do sử dụng tác phẩm thông qua giới hạn quyền sao chép của Việt Nam cũng trở nên lạc hậu hơn, theo nghĩa tác giả cảm thấy quyền của mình bị xâm phạm nhiều hơn, khó phát hiện hơn, mặc khác người thực hiện hành vi sao chép dễ trở thành người vi phạm pháp luật hơn.

Bài viết tập trung phân tích quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép mang tính vật chất theo luật của Pháp và Việt Nam để từ đó đưa ra những đề xuất, gợi mở cho Việt Nam về vấn đề trên, nhằm cân bằng lợi ích chính đáng và hợp lý giữa các chủ thể, một bên là tác giả, một bên là lợi ích cộng đồng.

  1. Quy định pháp luật Cộng hoà Pháp về quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép

Đối với quyền tài sản của tác giả hay quyền khai thác giá trị của tác phẩm, luật sở hữu trí tuệ của Pháp quy định hai quyền cơ bản của tác giả : quyền trình diễn và quyền sao chép tác phẩm[7]. Theo đó, mọi hành vi trình diễn hoặc sao chép tác phẩm một phần hoặc toàn bộ tác phẩm dưới mọi hình thức mà không có sự đồng ý của tác giả đều là bất hợp pháp[8].

Mặc dù với việc công nhận và bảo vệ quyền tài sản của tác giả mạnh mẽ như vậy, nhưng luật sở hữu trí tuệ của Pháp cũng đã thừa nhận những trường hợp ngoại lệ thoát khỏi tấm lưới bảo vệ quyền tác giả. Đó là các trường hợp sử dụng, khai thác tác phẩm mà không cần sự cho phép của tác giả, nói cách khác tác giả không được quyền cấm đoán hay cản trở các trường hợp được quy định tại Điều L122-5, một khi tác phẩm đã được công bố hợp pháp. Những ngoại lệ này nhằm mục đích cân bằng lợi ích giữa tác giả và cộng đồng. Liên quan đến quyền sao chép tác phẩm trong phạm vi bài viết, luật Pháp tuyên bố rằng tác giả không được quyền cấm đoán việc sao chép tác phẩm từ nguồn hợp pháp vì mục đích sử dụng cá nhân (« à l’usage privé ») và không nhằm cho mục đích sử dụng tập thể, ngoại trừ tác phẩm nghệ thuật được tạo ra cho mục đích cụ thể nào đó, chương trình máy tính và dữ liệu điện tử[9].

« Mục đích sử dụng cá nhân » được quy định trong điều luật trên không bị hạn chế ở một hoạt động cụ thể nào. Nói cách khác, việc sao chép tác phẩm mà không cần xin phép tác giả có thể được thực hiện tự do nhằm phục vụ mục tiêu cá nhân của người sử dụng như sao chép một bản để lưu trữ, để nghiên cứu, để học tập…. Tuy nhiên, sẽ là vi phạm quyền tác giả nếu việc sao chép tác phẩm nhằm mục đích cho nhiều người cùng sử dụng chung.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền tác giả, luật Pháp cũng quy định thêm rằng, hành vi sao chép vì mục đích cá nhân này chỉ được xem là hợp pháp nếu nguồn sao chép là hợp pháp[10], ví dụ anh A mua một quyển sách có bản quyền và cho anh B sao chép một bản để nghiên cứu hoặc học tập thì hành vi sao chép của anh B là hợp pháp. Ngược lại, nếu anh B thực hiện hành vi sao chép trên một quyển sách được sao chép bất hợp pháp thì hành vi của anh B cũng là bất hợp pháp. Vậy nếu anh B thực hiện hành vi sao chép từ nguồn hợp pháp, sau đó anh C sao chép tiếp 1 bản trên bản sao hợp pháp đó thì hành vi của anh C có được xem là hợp pháp? Luật Pháp chỉ nêu lên vấn đề nguồn sao chép phải hợp pháp, chứ không yêu cầu phải là tác phẩm gốc (« œuvre originale »), do vậy theo chúng tôi hành vi của anh C vẫn được xem là hợp pháp nếu tạo ra bản sao theo cách đó.

Quyền tự do sao chép tác phẩm mang tính cá nhân theo quy định tại Điều L122-5 Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp cũng không bị giới hạn ở một hay một số bản sao nhất định. Tuy nhiên, mặc dù không cụ thể hóa số lượng cho phép, nhưng « mục đích sử dụng cá nhân » cũng đã thể hiện rõ bản chất của hành vi sao chép : hành vi là hợp pháp nếu một người sao chép 100 bản để dành lưu trữ và sử dụng riêng cho chính mình (vì 1 bản hay 100 bản sao cũng không khác biệt khi sử dụng cá nhân), sẽ khác với một người sao chép chỉ 50 bản để đưa cho nhiều người sử dụng (bất hợp pháp).[11] Quyền này cũng không bị giới hạn ở bất kỳ hình thức cụ thể nào, truyền thống hay điện tử. Tuy nhiên, luật cũng nhấn mạnh rằng việc sao chép tự do nhằm mục đích cá nhân này không được gây ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, cũng không được gây ảnh hưởng bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.[12]

Một vấn đề quan trọng cuối cùng cần đề cập thêm rằng để đạt mục tiêu cân bằng lợi ích trong việc sử dụng bản sao tác phẩm, luật Pháp quy định tác giả được quyền hưởng thù lao cho việc sao chép tác phẩm vì mục đích cá nhân (từ Điều L311-1 đến L311-8 Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp). Số tiền thù lao này đã được tính trong giá bán các thiết bị, dụng cụ ghi âm, ghi hình… phục vụ cho mục đích sao chép cá nhân, và sau đó được phân phối lại cho các chủ sở hữu quyền tác giả theo các nguyên tắc được nêu trong luật. Lẽ dĩ nhiên, số tiền này cũng không quá lớn để hạn chế quyền sao chép cá nhân[13].

Ở đây, khi nêu lên vấn đề này, chúng tôi không nhằm bàn sâu về phương thức phân phối lợi nhuận, tuy nhiên, có thể thấy rằng, tại Pháp, quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép cá nhân không làm mất đi tính chất độc quyền của quyền tác giả, mà cho phép quyền độc quyền này tồn tại theo hình thức khác. Đây cũng chính là điểm mấu chốt để lý giải các quy định về quyền tư do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép cá nhân tại Pháp, theo nghĩa quyền sao chép cá nhân không phải là một ngoại lệ hoàn toàn của quyền tác giả, vì mặc dù không cần phải xin phép nhưng vẫn trả thù lao cho tác giả dưới một hình thức gián tiếp. Tuy nhiên, quy định này có thể tạo ra mâu thuẫn với các biện pháp công nghệ bảo vệ tác phẩm, khi người sử dụng mua về các thiết bị trắng (đĩa CD, USB…) để thực hiện sao chép cá nhân và đã trả tiền cho tác giả trong giá mua thiết bị đó nhưng lại không thể thực hiện sao chép tác phẩm do biện pháp công nghệ bảo vệ tác phẩm mà tác giả hay các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có thể áp dụng.

  1. Quy định pháp luật Việt Nam về quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép

Như đã đề cập ở trên, nguồn gốc của quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép xuất phát từ nguyên tắc cân bằng lợi ích trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc áp dụng không được gây ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng đến việc khai thác thương mại bình thường của chủ thể quyền tác giả. Vận dụng các nguyên tắc này vào thực tiễn đất nước, ngay trong Luật SHTT 2005 và các bản sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, pháp luật Việt Nam đã quy định chi tiết về các giới hạn quyền tác giả đối với hành vi sao chép tại Điều 25. Cụ thể, mọi người có quyền tự do sao chép tác phẩm trong trường hợp tự sao chép 1 bản sao tác phẩm phục vụ cho mục đích nghiên cứu, giảng dạy của cá nhân đối với tác phẩm đã công bố[14].

Như vậy, để thực hiện quyền tự do sử dụng tác phẩm theo quy định tại Điều 25 Luật SHTT đối với hành vi sao chép, người sao chép một bản sao tác phẩm cho mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, điều kiện đầu tiên và tiên quyết là tác phẩm được sao chép đã được công bố. Trường hợp tác phẩm chưa công bố, mọi hành vi sao chép không được phép của chủ sở hữu đều xâm phạm quyền tài sản theo Điều 20 Luật SHTT. Điều này một lần nữa cho thấy, việc quy định các giới hạn quyền tác giả tại Điều 25 Luật SHTT nói chung và đối với hành vi sao chép nói riêng xuất phát từ nguyên tắc cốt lõi về cân bằng lợi ích, trong khi vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội[15]. Việc xác định điều kiện để tác phẩm được xem là đã công bố theo pháp luật của mỗi quốc gia có sự khác nhau. Tại Việt Nam, công bố tác phẩm là phát hành đến công chúng số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm, nhưng không bao gồm việc trình diễn, trưng bày tác phẩm trước công chúng như một số nước[16].

Thứ hai, việc sao chép bị giới hạn với một bản sao duy nhất. Điều này đảm bảo cho công chúng có quyền tự do sử dụng, nhưng số lượng bản sao không quá lớn để có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể sáng tạo. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, đối với các tác phẩm được sáng tạo cho mục đích đào tạo, mặt dù số lượng bản sao trên một chủ thể sao chép không lớn, nhưng việc bất kỳ ai cũng có thể thực hiện quyền này rõ ràng thiệt hại tổng hợp là rất lớn và ảnh hưởng ít nhiều đến lợi ích của chủ thể quyền[17].

Thứ ba, việc sao chép phải nhằm mục đích cá nhân. Đối với điều kiện này, Khoản 1 Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP khi giải thích Điều 25 đã quy định thêm, việc sao chép một bản sao tác phẩm cho các mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy phải không nhằm mục đích thương mại[18]. Ở đây rõ ràng Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã đặt ra thêm một điều kiện mới so với Điều 25 của Luật SHTT, đó là “không nhằm mục đích thương mại” đi kèm với mục đích cá nhân. Chúng tôi cho rằng quy định thêm điều kiện mới như vậy là chưa phù hợp, bởi lẽ trái với nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất giữa văn bản luật và văn bản hướng dẫn[19]. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật SHTT, nhà làm luật cũng đã đề xuất luật hoá quy định này vào Điều 25 Luật SHTT sửa đổi để phù hợp hơn với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật[20].

Cuối cùng, việc sao chép này phải nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy. Điều này có nghĩa là dù đáp ứng đủ 3 điều kiện trên, nhưng nếu bản sao được sử dụng nhằm mục đích khác, ví dụ như học tập, thì cũng bị xem là hành vi sao chép bất hợp pháp nếu chưa xin phép và trả thù lao cho tác giả. Điều này đúng với các tác phẩm được sáng tạo ra dùng cho mục đích giảng dạy (sách giáo khoa, sách hướng dẫn, giáo trình, tài liệu giảng dạy trong các cơ sở đào tạo), nhưng lại chưa hợp lý đối với các loại tác phẩm còn lại, bởi lẽ việc kiểm soát mục đích học tập hay nghiên cứu khoa học rất khó thực hiện trên thực tế, vì ranh giới giữa học tập và nghiên cứu khoa học lại khá mờ nhạt: trong học tập có nghiên cứu và ngược lại.

Nhìn chung, quy định về quyền tự do sử dụng tác phẩm đối với hành vi sao chép trong pháp luật Việt Nam đã được quy định cụ thể tại Điều 25 Luật SHTT và được hướng dẫn bởi Nghị định 22/2018/NĐ-CP khá phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại các Điều ước quốc tế. Theo đó, Khoản 1 Điều 18.65 Hiệp định CPTPP trao quyền giới hạn quyền tác giả cho các quốc gia thành viên, nhưng nhấn mạnh việc giới hạn này không được ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm cũng như không được gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả[21] và phù hợp với quy định của TRIPS và Berne[22].

Tuy nhiên, để đạt được sự cân bằng lợi ích thật sự giữa quyền sở hữu của chủ thể sáng tạo với việc sử dụng tự do tác phẩm thì dường như Việt Nam vẫn chưa đạt được. Thật vậy, về mặt lý thuyết, chúng ta có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện tại vẫn còn khá dè dặt trong việc trao nhiều lợi ích hơn cho cho cộng đồng so với việc bảo vệ quyền tác giả, khi một mặt quy định giới hạn quyền tác giả, mặt khác lại ràng buộc rất nhiều điều kiện được xem là khắt khe hơn so với pháp luật một số nước, qua đó làm hạn chế quyền tự do sử dụng tác phẩm hợp lý của các chủ thể có nhu cầu. Nhưng trên thực tế, việc tạo bản sao dùng cho mục đích đa dạng của cá nhân lại không thể kiểm soát, vô hình trung làm cho quy định pháp luật xa rời thực tiễn, không mang tính thực thi cao. Hiệp định CPTPP tại Điều 18.66[23] cũng đã có hướng dẫn các quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đạt sự cân bằng hợp lý trong hệ thống quyền tác giả bằng cách giới hạn hoặc ngoại lệ phù hợp quyền tác giả phù hợp với Điều 18.65 của Hiệp định, bao gồm trong đó có mục đích học tập, nghiên cứu, giảng dạy…

  1. Kết luận và đề xuất

Qua nghiên cứu pháp luật của Pháp và Việt Nam về quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép – một trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả, chúng tôi nhận thấy có một số nét tương đồng cũng như khác biệt giữa hai quốc gia này. Cụ thể, về sự tương đồng, cả hai hệ thống pháp luật đều cụ thể hóa các trường hợp sao chép tác phẩm đã công bố mà không cần xin phép tác giả vì mục đích cá nhân. Tuy nhiên, luật Pháp lại không đưa ra giới hạn cụ thể cho các trường hợp sử dụng cá nhân, cũng như số lượng bản sao, nhưng lại quy định nguồn sao chép phải là nguồn hợp pháp để đảm bảo quyền tác giả và có cơ chế thu và phân phối tiền bản quyền từ giá bán các thiết bị sao chép. Ngược lại, Việt Nam chỉ cho phép một bản sao duy nhất cho mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy của cá nhân, không đề cập gì đến nguồn sao chép và cũng không có cơ chế trả tiền bản quyền cho trường hợp ngoại lệ này.

Thực sự là khiên cưỡng khi lấy pháp luật của quốc gia khác làm khuôn mẫu một cách máy móc để đề xuất hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, lý luận cũng như thực tiễn phân tích ở trên đã cho thấy còn nhiều nội dung về quyền tư do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép dưới góc độ ngoại lệ quyền tác giả cần phải được xem xét và điều chỉnh. Cụ thể, qua nghiên cứu, chúng tôi có một vài đề xuất sau:

Một là, thay đổi về việc quy định số lượng bản sao. Theo đó, không cần thiết phải là 1 bản sao, bởi lẽ nếu đã dùng cho mục đích của cá nhân thì một hay nhiều bản sao cũng không quá quan trọng như đã phân tích ở trên, vì không gây ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm đó.

Hai là, nên cụ thể hoá mục đích phi thương mại vào văn bản luật để phù hợp về hiệu lực giữa văn bản luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Ba là bổ sung mục đích học tập vào ngoại lệ của quyền sao chép, ngoại trừ các tác phẩm được sáng tạo cho mục đích giảng dạy như giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu học tập… Việc bổ sung mục đích học tập có chọn lọc này sẽ giúp cho luật gần với thực tiễn hơn, mang tính khả thi và hợp lý hơn.

Cuối cùng là nghiên cứu áp dụng cơ chế tiền bản quyền trong giá bán các thiết bị sao chép sao cho đảm bảo lợi ích của tác giả cũng như lợi ích chính đáng của người sử dụng. Có như thế, các kiến nghị ở trên mới thực sự hợp lý và thống nhất.

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn bản pháp luật
  2. Công ước Berne 1886.
  3. Hiệp định khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) 1994.
  4. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
  5. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019.
  6. Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Sở hữu trí tuệ.
  7. Dự thảo 5.0 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 25/8/2021.
  8. 7. Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp

Tài liệu tham khảo khác

  1. 8. Kamil Idris (2004), Sở hữu trí tuệ một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, NXB Bản đồ, WIPO.
  2. 9. Michael Blakeney (2015), Các khái niệm cơ bản về sở hữu trí tuệ, EC-ASEAN.
  3. 10. Michael Blakeney (2015), Quyền tác giả, EC-ASEAN.
  4. 11. Trần Hữu Nam (dịch) (2001), Cẩm nang sở hữu trí tuệ: chính sách, pháp luật và áp dụng, WIPO, Thuỵ Sĩ.
  5. 12. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2015), Quyền tác giả trong không gian ảo, NXB.ĐHQG-HCM
  6. 13. Quỳnh Như (2017), “Lý, tình trong vụ cấm học vì photo gáio trình”, nguồn từ https://plo.vn/phap-luat/ly-tinh-trong-vu-cam-hoc-vi-photo-giao-trinh-682628.html truy cập ngày 27/11/2021.
  7. 14. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (2018), “Giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm dưới góc nhìn luật so sánh”, Tạp chí công thương (điện tử), Nguồn từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gioi-han-quyen-tac-gia-trong-viec-sao-chep-va-trich-dan-tac-pham-duoi-goc-nhin-luat-so-sanh-55018.htm?fbclid=IwAR3Oi-dUJV6tzeJACxgIrmqpF3_6w9Vh6DiH44p0rKNijzXI5qNZiDECCyA truy cập ngày 28/11/2021.
  8. 15. Lê Văn Viết (2014), “Vấn đề quyền tác giả trong hoạt động thư viện”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Ngườn từ https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/van-de-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thu-vien.html truy cập ngày 28/11/2021.
  9. 16. WIPO (2003), Secrets of IP – A Guide for SME Exporters, WIPO, Switzerland.
  10. 17. WIPO (2006), Creative Expression, WIPO, Switzerland.

[1] Nguyễn Thị Hồng Nhung (2015), Quyền tác giả trong không gian ảo, NXB.ĐHQG-HCM, tr3.

[2] Michael Blakeney (2015), Các khái niệm cơ bản về sở hữu trí tuệ, EC-ASEAN, Trang 10-12.

[3] Điều 18.3 CPTPP.

[4] Xem Khoản 2 Điều 6bis Công ước Berne, Điều 9 Hiệp định TRIPS.

[5] Hoa Kỳ không bảo vệ quyền nhân thân của tác giả, ngoại trừ tác phẩm nghệ thuật thi giác (Điều 106A Copyright Act); xem thêm Nguyễn Thị Hồng Nhung (2015), Quyền tác giả trong không gian ảo, NXB.ĐHQG-HCM, tr34.

[6] Nguyễn Thị Hồng Nhung (2015), Quyền tác giả trong không gian ảo, NXB.ĐHQG-HCM, tr40.

[7] Điều L122-1 Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp.

[8] Điều L122-4 Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp.

[9] Điều L122-5 Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp.

[10] Điều L122-5 Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp.

[11] Tại Hoa Kỳ, Thuỵ Điển, Nhật Bản, số lượng bản sao có thể nhiều hơn 1.

[12] Điều L122-5 Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp.

[13] Xem thêm Nguyễn Thị Hồng Nhung (2015), Quyền tác giả trong không gian ảo, NXB.ĐHQG-HCM, tr51 và tt.

[14] Điểm a Điều 25 Luật SHTT.

[15] Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm và công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.

[16] Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (2018), “Giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm dưới góc nhìn luật sơ sánh”, Tạp chí công thương (điện tử), Nguồn từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gioi-han-quyen-tac-gia-trong-viec-sao-chep-va-trich-dan-tac-pham-duoi-goc-nhin-luat-so-sanh-55018.htm?fbclid=IwAR3Oi-dUJV6tzeJACxgIrmqpF3_6w9Vh6DiH44p0rKNijzXI5qNZiDECCyA truy cập ngày 28/11/2021.

[17] Quỳnh Như (2017), Lý, tình trong vụ cấm học vì photo gáio trình, nguồn từ https://plo.vn/phap-luat/ly-tinh-trong-vu-cam-hoc-vi-photo-giao-trinh-682628.html truy cập ngày 27/11/2021.

[18] Khoản 1, Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP: 1. Tự sao chép một bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.

[19] Khoản 1 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2020.

[20] Dự thảo 5.0 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 25/8/2021, trang 6. Khoản 8, Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau: a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp sao chụp toàn bộ hoặc phần trọng yếu của tác phẩm hoặc sao chép bằng thiết bị sao chép tự động hoặc các thiết bị sao chụp khác được cài đặt để sử dụng công cộng.

[21] Khoản 1, Điều 18.65 CPTPP.

[22] Khoản 2, Điều 18.65 CPTPP.

[23] “Each Party shall endeavour to achieve an appropriate balance in its copyright and related rights system, among other things by means of limitations or exceptions that are consistent with Article 18.65 (Limitations and Exceptions), including those for the digital environment, giving due consideration to legitimate purposes such as, but not limited to: criticism; comment; news reporting; teaching, scholarship, research, and other similar purposes; and facilitating access to published works for persons who are blind, visually impaired or otherwise print disabled.”

To Top