Ngày 19-8, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xảy ra tại website chiếu phim lậu phimmoi.net.
Bước đầu, cơ quan công an xác định từ năm 2014, NTT (quê Lâm Đồng) đã thuê hai cá nhân có trình độ kỹ thuật cao về công nghệ thông tin ở Đồng Nai để thực hiện lập trình, quản trị, vận hành website phimmoi.net.
Nhóm này đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.
Công an cũng yêu cầu ba cá nhân liên quan đến ban quản trị, vận hành, giao dịch website nói trên đến đội 9 thuộc Phòng PC03 Công an TP.HCM để phục vụ công tác điều tra, làm rõ.
ThS Ngô Minh Tín, giảng viên bộ môn Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM nhận định: Chính xác là khởi tố vụ án đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đến các bộ phim trên web phimmoi.net chứ không khởi tố trang web như một số báo đã đăng tải.
Bởi vì, theo quy định tại Chương IX của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), việc khởi tố vụ án nhằm làm sáng tỏ hành vi có dấu hiệu tội phạm và cần xác định ai là người phạm tội đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS).
Khi đã xác định được “ai” thì sẽ tiến hành khởi tố bị can theo Điều 179 BLTTHS. “Ai” được đề cập ở đây là chủ thể thực hiện hành vi cấu thành tội phạm theo Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) – BLHS, bao gồm cá nhân hoặc pháp nhân thương mại.
“Như vậy, trong vụ án này, với thông tin hiện tại thì Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM chỉ mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can (chỉ mới xác định đối tượng có liên quan). Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nếu xác định hành vi của ba người liên quan đến web phimmoi.net đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì CQĐT sẽ ra quyết định khởi tố bị can đối với các “cá nhân” này. Đồng thời, nếu phimmoi.net có tư cách pháp nhân thương mại thì sẽ khởi tố thêm bị can là pháp nhân đó” – ThS Ngô Minh Tín nêu quan điểm.
Cần lưu ý, theo khoản 2 Điều 75 BLHS, việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân. Theo đó, nếu hành vi của T. và những người khác cấu thành tội phạm thì vẫn phải chịu TNHS cá nhân.
Cũng theo ThS Minh Tín, về cơ bản, các hành vi của nhóm người nói trên đã vi phạm Điều 20 Luật SHTT. Theo đó, hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 BLHS.
Tùy vào tính chất, mức độ, thiệt hại thực tế và số tiền thu lợi bất chính… mà những người này phải chịu TNHS tương ứng với các khoản của Điều 225 BLHS. Nếu cá nhân phạm tội, mức phạt có thể lên đến ba năm tù trong trường hợp thu lợi bất chính trên 300 triệu đồng. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn…
Để phục vụ công tác điều tra, qua Báo Pháp Luật TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát thông báo đề nghị bị hại là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đại diện chủ thể quyền đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03 – đội 9, địa chỉ 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP.HCM) gặp điều tra viên Lê Trung Luân để trình báo, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến các hành vi xâm phạm nói trên.
Chủ động bảo vệ quyền SHTT
Đối với chủ thể quyền SHTT, do đặc thù của loại tài sản này là vô hình, có thể được lan tỏa nhanh trên internet và đặc biệt đối với quyền tác giả, quyền liên quan chủ thể xác lập quyền tự động không cần đăng ký kể cả hoạt động cấp quyền (li-xăng) nên cơ quan chức năng rất khó xác định có xâm phạm hay không nếu chủ thể quyền không trình báo.
Vì vậy, các chủ thể có quyền nên tự chủ động bảo vệ tài sản của mình. Khi phát hiện sai phạm nên trình báo để được hỗ trợ; hoặc là ký uỷ quyền cho các tổ chức đại diện để họ theo dõi xâm phạm cũng như cấp quyền (li-xăng) thay cho mình sẽ hiệu quả hơn.
ThS Ngô Minh Tín, giảng viên bộ môn Luật SHTT, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM
Nguồn: PLO.VN